Đo tiếng cười thật hay giả
Các nhà bác học tại Đại học Kansai, Nhật Bản, đã tạo ra một hệ thống có thể "đo" được tiếng cười, phân biệt được tiếng cười thật lòng và tiếng cười giả tạo.
Các nhà nghiên cứu không cho biết máy có thể đo được tiếng cười của động vật hay không. Ảnh: Laughometer |
Những ai cho rằng tiếng cười là liều thuốc tốt nhất thì giờ đây đã có thể đo được "liều lượng" của loại "thuốc bổ" này. Trước đây, tại nhiều phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu từng giới thiệu cách đo tiếng cười dựa vào camera và các phần mềm phân tích hình ảnh, nhưng giờ đây các nhà bác học Nhật Bản đã tiến tới việc phân tích tiếng cười một cách có cơ sở hơn. Họ tạo ra các cảm biến, gắn vào má, ngực và bụng người tình nguyện tham gia thử nghiệm. Các cảm biến này ghi nhận các dòng sinh điện 3.000 lần/giây, nhờ đó xác định được sự hoạt động của phần lớn số cơ tham gia vào việc tạo ra tiếng cười. Một phần mềm đặc biệt sẽ phân tích dữ liệu thu được và đánh giá tiếng cười theo đơn vị tính mà các nhà bác học đưa ra là aH. Ông Yoji Kimura - thành viên chính của nhóm nghiên cứu, cho biết 1 giây của tiếng cười to, thật lòng, tương ứng với 5 aH. Điều đặc biệt là hệ thống này có thể phân biệt được tiếng cười thật lòng và tiếng cười giả tạo. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi cười giả tạo thì không có sự tham gia của cơ hoành, kể cả khi tiếng cười nghe có vẻ rất thật. Theo cảm biến ghi lại, khi cười thật sự thoải mái, cơ hoành rung 2-5 lần/giây. Việc kiểm tra hệ thống đo tiếng cười một cách công khai được diễn ra vào tháng 2 vừa qua. Một phụ nữ 30 tuổi và con gái 5 tuổi của cô đã tham gia vào cuộc thử nghiệm bằng cách được cho xem một bộ phim hài. Kết quả là người phụ nữ không cảm thấy buồn cười khi xem phim và hệ thống đã xác định trên điểm 0 một chút còn đứa trẻ thì cười hết cỡ và máy đo đã chỉ ở số điểm là 42 aH. Để chế tạo ra hệ thống này, các chuyên gia đã phải mất 3 năm nghiên cứu. Hiện nay họ có ý định chế tạo máy đo tiếng cười loại nhỏ gọn nhằm ứng dụng vào lĩnh vực y học và giải trí. Quỳnh Anh